Sự khác biệt giữa kỹ năng cứng và kỹ năng mềm là gì? Ngày nay, chúng ta được đọc nhiều bí kíp về kỹ năng mềm, thậm chí, một bộ phận người đi làm chủ trương "mồm miệng đỡ chân tay". Có thật là kỹ năng mềm có thể "đỡ" được nhiều thiếu sót của kỹ năng cứng hay không? Thử nhìn từ góc độ của nhà tuyển dụng để biết được đánh giá của họ nhé. Điểm khác biệt giữa kỹ năng cứng và kỹ năng mềm: - Kỹ năng cứng: kiến thức và khả năng nghiệp vụ mà nhân viên cần để thực hiện công việc một cách hiệu quả. - Kỹ năng mềm: những phẩm chất cá nhân giúp nhân viên thực sự phát triển tại nơi làm việc. Kỹ năng cứng và kỹ năng mềm Kỹ năng cứng giúp xác định ứng viên giỏi trên giấy tờ, trong khi kỹ năng mềm cho thấy ứng viên nào có thể xử lý tốt trong đời sống thực tế. Điều này có nghĩa là bạn cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ năng cứng và mềm để có thể thành công trong vị trí của mình. Ví dụ: Bạn là một kỹ sư phần mềm. Bạn cần kỹ năng cứng là kiến thức về các ngôn ngữ lập trình (ví dụ: Java), cấu trúc dữ liệu, sửa lỗi phần mềm... Còn kỹ năng mềm hữu ích là: tinh thần hợp tác, thái độ giải quyết vấn đề, suy luận logic và khả năng quản lý thời gian. Một số khác biệt chi tiết hơn giữa kỹ năng cứng và kỹ năng mềm: Định nghĩa kỹ năng cứng và kỹ năng mềm - Kỹ năng cứng hay còn gọi là kỹ năng kỹ thuật: là đặc thù của công việc, phù hợp với từng vị trí và cấp độ thâm niên. Nói cách khác, mỗi vị trí trong mỗi công ty sẽ yêu cầu một danh sách kỹ năng cứng riêng. Ví dụ: kế toán viên cần biết cách đối chiếu các bảng sao kê ngân hàng, trong khi kiến thức đó là không cần thiết đối với một lập trình viên. Đồng thời, việc đối chiếu là quan trọng đối với các kế toán viên cho dù họ ở cấp độ nhân sự nào, nhưng hoạch định ngân sách kinh doanh là một kỹ năng thường không bắt buộc đối với một kế toán cấp thấp. - Kỹ năng mềm: là những đặc điểm chung, liên quan đến tính cách. Có một số kỹ năng mềm mà nhà quản lý mong muốn tất cả nhân viên đều có, bất kể vị trí hoặc chuyên môn. Trong khi một số kỹ năng mềm khác có ý nghĩa trong một số công việc nhất định và ít quan trọng hơn ở những công việc khác. Ví dụ: Các sếp đều mong muốn nhân viên có tinh thần hợp tác tốt, giao tiếp tốt với những thành viên khác trong nhóm. Nhưng kỹ năng kết nối và xây dựng mối quan hệ thì được ưu tiên ở những nhân viên bán hàng và tiếp thị hơn là các kỹ thuật viên. Tương tự, khả năng lãnh đạo là cần thiết đối với các cấp quản lý bất kể họ thuộc bộ phận nào. Đánh giá kỹ năng cứng và kỹ năng mềm Đánh giá kỹ năng cứng và kỹ năng mềm Các kỹ năng cứng có thể được nhà tuyển dụng đánh giá trước thông qua CV, portfolio, các bài kiểm tra đầu vào và các câu hỏi phỏng vấn. Kỹ năng mềm được họ đánh giá bằng cách đặt các câu hỏi phỏng vấn tình huống, bài kiểm tra kỹ năng mềm hoặc bài trắc nghiệm tính cách (thường được thông báo trước quá trình tuyển dụng). Đo lường kỹ năng cứng và kỹ năng mềm Kỹ năng cứng có thể đo lường được và có thể được mô tả bằng các con số, các gạch đầu dòng hoặc bảng đánh giá Có / Không. Trong khi đó, các kỹ năng mềm thường vô hình, khó định lượng và thường được mô tả bằng các thang đo định tính. Ví dụ: Một nhân viên bán hàng có thể là: - Một người sử dụng xuất sắc phần mềm thanh toán, quản lý kho.. - Một người giao tiếp tốt, có thể giải thích rõ ràng các lợi ích của sản phẩm cho khách hàng tiềm năng. Phát triển kỹ năng cứng và kỹ năng mềm Chúng ta có thể phát triển các kỹ năng cứng thông qua giáo dục và thực hành tại chỗ, trong khi kỹ năng mềm thì cần được rèn luyện qua kinh nghiệm sống xuyên suốt cuộc đời. Ví dụ: Các nhân viên tiếp thị có thể học các kỹ thuật và công cụ tiếp thị bằng cách tham gia một khóa học, và phát triển kỹ năng hợp tác của mình bằng cách tham gia vào một đội bóng đá.